0966 105 006

Tình Trạng Ô Nhiễm Khu Công Nghiệp Đáng Báo Động Hiện Nay

Hiện nay, cùng với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, tại Việt Nam rất nhiều các nhà máy, xưởng, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế các mô hình này đem lại thì sự xuất hiện của hàng loạt đơn vị sản xuất cũng gây ra hiện trạng ô nhiễm khu công nghiệp đáng báo động.

Thực trạng ô nhiễm tại các khu công nghiệp

Theo thống kê tính đến năm 2015 trên cả nước có hơn 20.000 doanh nghiệp, 130 khu công nghiệp và khu chế xuất hình thành. Từ đó, chúng tạo nên một hệ thống các khu công nghiệp phân bố trên 45 tỉnh, thành phố. Có thể nói việc xây dựng khu công nghiệp mang tới những thay đổi lớn và tích cực trong cơ cấu kinh tế của nước ta. Thế nhưng, không thể phủ nhận các khu công nghiệp này cũng là nguồn gây ô nhiễm lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến khí hậu, con người và hệ sinh thái.

Tình trạng ô nhiễm nước thải tại khu công nghiệp

Các nhà máy sản xuất thuộc ngành hóa chất, phân bón, khai thác và chế biến khoáng sản,.. là những đơn vị có lượng nước thải rất lớn, chứa nhiều yếu tố độc hại như: chất hữu cơ, chất rắn lửng, axit, kim loại nặng, kiềm, các hợp chất phenol được clo hóa,… Đặc biệt, nguy hiểm hơn khi nguồn nước này lại được thải trực tiếp ra sông, suối, ao, hồ.

Theo khảo sát, ở khu vực Hà Nội, lượng nước thải lên tới 300.000 m3/ngày đêm. Trong đó, nước thải công nghiệp là 85.000 – 90.000m3/ngày đêm, chiếm 27-30%. Đồng thời, các lượng nước thải này đa phần đều chỉ được xử lý sơ bộ trong các bể tự hoại hoặc các bể lắng cặn trong các tuyến thoát nước chung. Do đó, nồng độ chất ô nhiễm ở một số điểm xả rất cao: BOD5 từ 50 – 190 mg/l, NH4+ từ 3 – 25 mg/l, COD từ 90 – 495 mg/l. 

Và rất nhiều các khu vực, tỉnh thành trong cả nước tình trạng ô nhiễm khu công nghiệp do nước thải từ các nhà máy đều đang ở mức báo động.

o-nhiem-khu-cong-nghiep
Tình trạng ô nhiễm nước thải tại khu công nghiệp rất đáng báo động

Tình trạng ô nhiễm rác thải

Theo số liệu thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 15 triệu tấn rác được thải ra. Trong đó rác thải công nghiệp chiếm tới 17%. Lượng rác có tính nguy hại do hoạt động công nghiệp thải ra vào khoảng 130.000 tấn. Đặc biệt 75% rác thải phát sinh từ các khu kinh tế trọng điểm phía Nam và 25% đến từ các thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh. 

Theo thống kê của Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội, trong năm 2005 thì mỗi ngày Hà Nội phải gánh 312 tấn rác thải công nghiệp không nguy hại và 59,3 tấn rác thải công nghiệp nguy hại. 

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng năm các nhà máy trong khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ thải ra khoảng 62.726,4 tấn chất thải rắn. Thậm chí nếu tính luôn các nhà máy ngoài các khu công nghiệp thì tải lượng chất thải rắn thải ra rơi vào là 667.137,1 tấn/năm.

Thực tế, các phương án xử lý rác thải công nghiệp ở Việt Nam chưa tốt, cách xử lý và tiêu hủy rác không an toàn. Đồng thời, chất thải được tạm giữ tại các cơ sở hoặc bán lại cho các điểm tái chế cũng không đảm bảo yêu cầu.

o-nhiem-khu-cong-nghiep-1
Tình trạng ô nhiễm khu công nghiệp do rác thải

Tình trạng ô nhiễm khí thải

Bên cạnh nước thải và rác thải thì tình trạng ô nhiễm khu công nghiệp do khí thải cũng rất đáng lo ngại. Khí thải tại khu công nghiệp sẽ bao gồm cả bụi và khói thải phát sinh từ việc đốt nhiên liệu và không có thiết bị xử lý khí thải tại nguồn.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2002 lượng phát thải khí CO2 là 70.541,716 nghìn tấn; CH4 là 585,510 nghìn tấn; CO là 1.540,317 nghìn tấn; N2O 1,116 nghìn tấn và NOx là 28,527 nghìn tấn. 

Đồng thời, vấn đề ô nhiễm bụi trong các khu công nghiệp cũng rất đáng báo động. Tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tính riêng các lò hơi, lò nung đã thải vào môi trường 578 tấn bụi/năm. Đồng thời dựa vào kết quả quan trắc của Trung tâm môi trường đô thị và khu công nghiệp trong 6 năm qua cho thấy nồng độ bụi PM10 tăng 4 – 20%. 

o-nhiem-khu-cong-nghiep-2
Tình trạng ô nhiễm khu công nghiệp do khí thải

Nguyên nhân gây ô nhiễm khu công nghiệp

Thực tế, lý do ô nhiễm môi trường khu công nghiệp ngày càng trở nên nghiêm trọng và báo động hơn phần lớn là đến từ quy trình xử lý nước thải, rác thải và khí thải chưa đúng của các doanh nghiệp. Cụ thể:

  • Hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp có hiệu quả không cao. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn xả nước thải trực tiếp ra môi trường xung quanh. Từ đó, gây nên ô nhiễm nặng nề cho nguồn nước sinh hoạt, các nguồn nước ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch và làm ảnh hưởng đến các loài sinh vật thủy sinh.
  • Hệ thống xử lý khí thải của các khu công nghiệp còn lạc hậu. Cũng như các đơn vị này chưa có sự đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật. Do vậy, vẫn chưa đảm bảo được nguồn khí thải độc hại phát sinh ra được xử lý đúng quy định cũng như chưa đảm bảo gây nên tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến cư dân xung quanh.
  • Chất thải, rác thải do các nhà máy, xưởng, xí nghiệp tại khu công nghiệp thải ra môi trường mỗi năm ngày càng tăng. Thế nhưng, các đơn vị lại chưa có phương án, giải pháp để xử lý các nguồn rác gây ô nhiễm này
  • Rất nhiều các nhà máy, xí nghiệp được xây dựng từ thời bao cấp với công nghệ, thiết bị lạc hậu, không có hệ thống xử lý các nguồn gây ô nhiễm như: khí thải, nước thải, chất thải hoặc hệ thống hoạt động kém do thiếu vốn đầu tư

Tác động của ô nhiễm đến con người và môi trường

Ô nhiễm môi trường khu công nghiệp đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng dân cư, đặc biệt là người lao động làm việc trực tiếp tại các nhà máy, xưởng,.. này. Theo đó, họ phải tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố độc hại như là ô nhiễm bụi, hơi khí độc, ô nhiễm nhiệt, tiếng ồn,..

Những con số thực tế đã thống kê như sau: 

  • Tại nhà máy hợp kim sắt Thái Nguyên, kết quả điều tra về môi trường và sức khỏe của 208 công nhân cho thấy có 58,7% số công nhân có biểu hiện viêm phế quản cấp, 2,9% có biểu hiện hội chứng nhiễm độc SO2. 
  • Đối với sức khỏe của người lao động làm việc trong ngành hóa chất phân bón, điện hóa, cao su, chất tẩy rửa, hóa chất bảo vệ thực vật và hóa chất cơ bản thì có: 35.2 – 65% người lao động mắc bệnh đường hô hấp, tai mũi họng và bệnh dị ứng.
  • Trong năm 1976 – 1990 mới chỉ có 5.497 trường hợp mắc bệnh do ô nhiễm môi trường khu công nghiệp. Thế nhưng đến năm 2004 số người mắc bệnh đã tăng lên gấp 3 lần với tổng số 21.597 người. Dự báo còn số này sẽ còn tăng lên gấp nhiều lần trong những năm sắp tới.

Không chỉ gây hại đến người lao động làm việc trong khu công nghiệp mà ô nhiễm môi trường còn tác động tới cộng đồng dân cư xung quanh các nhà máy, xưởng, xí nghiệp này. Do nguồn khí thải, chất thải các khu công nghiệp thải vào môi trường không khí, đất, nước mà tỷ lệ chết, dị tật thai nhi và mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch và ung thư của người dân xung quanh khu công nghiệp ngày càng tăng. Ví dụ cụ thể như sau:

  • Nghiên cứu trên 2.000 người dân sống quanh vùng mỏ chì – kẽm Làng Hích Thái Nguyên cho thấy có 138 người có biểu hiện bị nhiễm độc chì mãn tính. 
  • Tại cộng đồng dân cư quanh mỏ Bản Thi – Bắc Kạn cũng có nhiều người bị nhiễm độc chì. Đồng thời, chỉ số IQ của trẻ em ở vùng này thấp hơn vùng khác. 

Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm khu công nghiệp

Để có thể giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm khu công nghiệp tới sức khỏe cộng đồng dân cư xung quanh cũng như người lao động và môi trường, hệ sinh thái nói chung thì chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và sự hợp tác của nhiều bộ ngành cũng như hợp tác quốc tế. 

Đồng thời, có kế hoạch bảo vệ môi trường lâu dài. Trong đó tăng cường nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân là yếu tố then chốt.

Ngoài ra các doanh nghiệp cũng nên chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống xử khí thải, nước thải, rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Chẳng hạn như lắp đặt, sử dụng các hệ thống xử lý khí thải, hệ thống hút lọc bụi công nghiệp, hệ thống thông gió làm mát, các loại quạt công nghiệp, các loại bể chứa, xử lý nước thải, rác thải,..

Trên đây chính là những thông tin chúng tôi muốn chia sẻ về ô nhiễm khu công nghiệp. Hy vọng bài viết sẽ là kiến thức hữu ích giúp bạn hiểu hơn về thực trạng ô nhiễm, hệ quả cũng như có thể sẵn sàng chung tay bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sống luôn an toàn.